Thảm hoạ Nhật Bản làm phá sản mọi biện hộ cho năng lượng hạt nhân

15/03/2011. Mối đe doạ của Năng Lượng Hạt Nhân là vấn đề thời sự nổi bật lên sau thảm hoạ động đất kinh hoàng tại Nhật Bản mấy ngày vừa qua. Người Nhật Bản từng chịu quá nhiều thử thách kinh hoàng do chiến tranh và thiên tai gây ra, nhưng chưa có thử thách nào kinh hoàng như lần này. Những vụ nổ đã xẩy ra và đang có nguy cơ tiếp tục xẩy ra tại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản là lời CẢNH BÁO NHÃN TIỀN về những HIỂM HOẠ KHÔNG THỂ ĐOÁN TRƯỚC của Năng Lượng Hạt Nhân mà bấy lâu nay vẫn có nhiều người, vì những lý do khác nhau, đã không nhìn thấy hoặc không muốn nhìn thấy. Nhưng bất chấp sự “khiếm thị” hoặc “khiếm thính” đó, mối quan tâm tới đồng loại vẫn thôi thúc nhiều người lên tiếng. Ngay từ năm 2003, GS Phạm Duy Hiển có bài trên Tia Sáng, chỉ ra rằng VN chưa đủ điều kiện để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Lương tri mách bảo tôi rằng ý kiến của GS Phạm Duy Hiển là chí lý, tôi lập tức viết bài “Năng Lượng Hạt Nhân, một lời thất hứa”, để hưởng ứng GS Hiển.

Năm 2010, khi Quốc Hội VN bàn thảo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho VN, GS Nguyễn Khắc Nhẫn tại Pháp đã viết một loạt bài cảnh báo nguy cơ thảm hoạ do nhà máy điện hạt nhân gây ra.

Một lần nữa, lương tri lại mách bảo tôi rằng GS Nguyễn Khắc Nhẫn đã nói những lời tha thiết nhất vì tương lai hạnh phúc của nhân dân VN. Xúc động với những lời tha thiết đó, tôi lại viết bài “Năng lượng hạt nhân & Lý thuyết phân tích rủi ro”, mong đóng góp một ý kiến phản biện đối với chương trình xây dựng điện hạt nhân. Bài đã đăng trên:

-Tạp chí Khoa Học & Tổ Quốc số Tháng 06-2010

-Trang mạng Vietsciences: http://vietsciences.org/

-Trang Blog PhamVietHung’sHome: https://viethungpham.wordpress.com/

Trong bài báo trên, tôi cũng thể hiện sự cảm kích đặc biệt đối với ý kiến của nhà khoa học Đỗ Quý Sơn tại Viện Năng Lượng Nguyên Tử VN, bằng cách trích một số ý kiến của ông trong một bài báo về thảm hoạ Chernobyl ( http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Tham-hoa-Chernobyl-20-nam-nhin-lai/40134715/188/ ) như sau:

“Trước năm 1986 ít người bình thường nghĩ rằng có thể xảy ra sự cố điện hạt nhân. Người ta tin vào khoa học, tin vào sự lắm chữ nghĩa và tinh thần trách nhiệm hoàn hảo của các chuyên gia ngành khoa học cao siêu này …”.

Đó là một ý kiến vô cùng sâu sắc, gợi ý với chúng ta rằng thói tự phụ khoa học là cái cớ chủ yếu biện hộ cho năng lượng hạt nhân. Trong bối cảnh “công nghệ như thần thánh” ngày nay, sự biện hộ đó lại càng tăng thêm giá trị. Rốt cuộc, nhân loại vẫn “tin vào sự lắm chữ nghĩa, tinh thần trách nhiệm hoàn hảo của các chuyên gia ngành khoa học cao siêu này” (!).

Nhưng …

Nhưng thảm hoạ động đất ở Nhật Bản đã làm phá sản hoàn toàn mọi biện hộ cho năng lượng hạt nhân!

Tôi cho rằng vẫn chưa muộn để VN xét lại dự án Nhà Máy Điện Hạt Nhân Ninh Thuận.

Tôi cho rằng vẫn chưa muộn để suy ngẫm về lời cảnh báo sau đây, mà nhà khoa học Đỗ Quý Sơn đã viết trong bài báo của ông: “Nhưng chẳng có gì chữa chạy được nỗi đau ly hương của hàng chục vạn người đã buộc phải rời bỏ xóm làng thân thuộc. Cũng chẳng ai trấn an được hàng triệu người, đã sống trong vùng tai nạn hoặc đã tham gia khắc phục hậu quả, luôn khắc khoải về một ngày bất hạnh nào đó bệnh tật sẽ phát tác trên cơ thể họ hoặc con cháu họ. Có người tự sát vì tuyệt vọng. Nhiều cặp vợ chồng không dám sinh con vì sợ đứa trẻ ra đời dị dạng. Còn niềm tin của nhân loại vào năng lượng hạt nhân thì chắc còn lâu mới khôi phục được”.

Pierre Curie, trong diễn văn nhận Giải Nobel năm 1903, đã cất lời tha thiết: “Tôi thuộc trong số những người muốn noi gương Nobel, mong ước khám phá của mình không bao giờ bị sử dụng vào việc chống nhân loại”. Ông không ngờ năng lượng nguyên tử đã được sử dụng lần đầu tiên để chống lại con người, và ông càng không ngờ rằng ngay cả khi năng lượng nguyên tử được sử dụng vào mục đích hoà bình, nó vẫn trở thành một hiểm hoạ tiềm tàng đối với sự sống của nhân loại.

Còn Albert Einstein, người từng có thời bị gọi nhầm là “cha đẻ bom nguyên tử” chỉ vì công thức E = mc2, đã đưa ra một lời cảnh báo tiên tri: “Vì tôi không đoán trước được năng lượng hạt nhân sẽ trở thành một mối lợi lâu dài, nên tôi phải nói rằng hiện nay nó là một mối đe doạ”.

Có lẽ người dân ở Chernobyl và người dân Nhật Bản là những người hiểu rõ lời Einstein hơn ai hết!

2 thoughts on “Thảm hoạ Nhật Bản làm phá sản mọi biện hộ cho năng lượng hạt nhân

  1. Cháu vẫn luôn nghĩ rằng loài người đang dần tiêu thụ hết các nguồn năng lượng hóa thạch của Trái Đất. Và sẽ đến một ngày khủng hoảng trầm trọng xảy ra chỉ để chiếm các nguồn năng lượng cuối cùng.
    Như chúng ta biết, năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng dồi dào nhất. Tuy nhiên, hiện nay con người mới chỉ có khả năng tạo ra năng lượng từ phản ứng phân hạch, từ các chất phóng xạ, và sẽ phải trả một cái giá quá đắt cho năng lượng này. Cái giá phải trả sẽ không tính bằng số USD bỏ ra khai thác dầu, than….mà sẽ là sinh mạng và sự phát triên thể chất của các thế hệ sau. Những người có quyền lực đều biết, nhưng lòng tham đã bất chấp tất cả.
    Chúng ta không thể trách Einstein, nhờ có ông, chúng ta cũng biết rằng nếu làm chủ được phản ứng nhiệt hạch, con người có thể ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ cuộc sống mà không gây hại quá nhiều cho môi trường.
    Tuy rằng bom khinh khí cũng là một sản phẩm từ phản ứng nhiệt hạch, nhưng càng thấy rõ là cái tâm con người sẽ quyết định mục đích sử dụng của công cụ, như con dao trong bàn tay người đầu bếp thì sẽ chỉ biết làm ra những món ăn ngon.
    Cháu hy vọng vào tương lai.

    Thích

  2. Thank you!

    Đúng là cái TÂM của con người sẽ quyết định tương lai.

    Nhưng cái TÂM ấy hiện nay ra sao, khi khoa học vật chất được đề cao thái quá, khoa học nhân văn thì ngày càng tàn lụi?

    Thêm nữa, cái TÂM chưa đủ, phải đủ cái TRÍ nữa. Nhưng cái TRÍ của nhân loại hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng khi con người tự phụ tưởng rằng mình có thể làm chủ Tự Nhiên, và đánh giá nền văn minh thông qua các chỉ số GDP. Con người muốn làm mọi thứ, kể cả những thứ chống lại chính mình. Đó là cái TRÍ THIỂU, vì không chịu học hoặc cố tình phớt lời ĐỊNH LÝ BẤT TOÀN của Kurt Godel.

    Có lẽ phải nói rằng Định lý Bất toàn là lời cảnh báo về mặt lý thuyết đối với tham vọng điên cuồng của Khoa học! Chernobyl và Fukushima là lời cảnh báo bằng thực tế! Và sẽ còn những cảnh báo tiếp theo, nếu loài người vẫn không học được gì từ những cảnh báo đó.

    Thích

Bình luận về bài viết này