Luận về bản tính thiện, ác [3]: GENE TỘi PHẠM, một dấu hỏi lớn (?)

Trong thời buổi ngày nay, khi khoa học di truyền đạt được những thành tựu tưởng như những phép lạ, người ta có xu hướng giải thích mọi tính cách bản năng của con người bằng nguồn gốc gene. Trong lĩnh vực tội phạm học, nhiều nhà khoa học cũng muốn giải thích nguyên nhân cội rễ của tội phạm bằng một loại gene được gọi là “gene tội phạm” (crime gene). Xu hướng này xuất phát từ niềm tin cho rằng bản tính của con người là ác, như học thuyết của Tuân tử[1] hoặc của Sigmund Freud[2] đã khẳng định. Theo tờ The New York Times ngày 19/06/2011, đã có ít nhất 100 công trình nghiên cứu chỉ ra vai trò của gene trong các vụ tội phạm. Điều này cho thấy đã đến lúc phải trả lời dứt khoát câu hỏi: “Gene tội phạm có thực sự tồn tại hay không?”. Câu hỏi này đã trở thành nội dung chính của hội nghị tội phạm học do Học viện Tư Pháp Quốc gia Mỹ (National Institute of Justice) tổ chức tại Arlington, Virginia, vào ngày 22/06/2011 vừa qua. Nhưng trớ trêu thay, trong khi các bằng chứng đưa ra chưa đủ sức thuyết phục thì nỗi ám ảnh về gene tội phạm đã làm nẩy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp. Trước hết là những rắc rối trong tố tụng hình sự, gây ra bởi cái được gọi là “Biện hộ DNA”.

1* Biện hộ DNA:

“Biện hộ DNA” là kiểu biện hộ của các luật sư đòi giảm nhẹ tội cho thân chủ của họ với lý do “tội phạm xuất phát từ di truyền” – một kiểu phạm tội do bệnh lý, tương tự như phạm tội do tâm thần. Mặc dù chưa có bằng chứng đầy đủ về sự tồn tại của gene tội phạm, nhưng hiện nay kiểu biện hộ này đã được các luật sư sử dụng, và thậm chí có nơi đã được toà án chấp thuận. Chiều hướng này có thể dẫn tới những hậu quả khó lường trong tương lai, làm cho vấn đề ngăn chặn tội phạm vốn đã phức tạp lại càng phức tạp thêm. Tình hình này đã được phản ánh trong bài báo “Crime is genetic”[3] (Tội phạm do di truyền) trên tạp chí eu-Times ngày 08/01/2010:

Năm 1907, Sir Francis Galton lần đầu tiên đưa ra lý thuyết về “sự di truyền khuynh hướng phạm tội”. Kể từ đó, các nghiên cứu tinh vi ngày càng khẳng định một cơ sở di truyền cho một số hành động tội phạm. Gần đây, ngành tư pháp Ý đã giảm án cho một kẻ bị kết tội giết người, dựa trên luận cứ cho rằng gene của hắn đã dẫn hắn đến chỗ phạm phải tội. Càng ngày các luật sư bênh vực cho bị cáo càng đòi hỏi các thẩm phán phải thừa nhận bằng chứng – cái gọi là “biện hộ DNA” – cho thấy khách hàng của họ đã bị dẫn dắt bởi gene hướng tới các hành vi bạo lực hoặc các hành vi phạm tội khác. Một nghiên cứu năm 2008 tại Đại học Hebrew ở Israel đã xác định gene AVPR1 (argenine vasopresser receptor 1) như là một nguyên nhân gây ra hành vi “tàn nhẫn”. Nghiên cứu trong năm 2009 bởi Rose McDermott tại Đại học Brown đã phát hiện ra một “gene côn đồ”chịu trách nhiệm với tính cách cực kỳ hung hãn sẵn sàng gây hấn để đáp trả những hành động khiêu khích. Năm 1995, một nhà nghiên cứu người Hà Lan đã chỉ ra rằng nam giới trong một gia đình có các thành viên liên tục phạm tội có một gene đột biến được gọi là MAOA (gene monoamine oxidase-A bị biến đổi). Gần đây, nghiên cứu của Kevin Beaver khẳng định rằng con trai có gene đột biến MAOA có nhiều khả năng tham gia các băng nhóm tội phạm. Năm ngoái, Quang Guo và các đồng nghiệp cho thấy một gene biến thể của MAOA điều khiển hành động phá phách bạo lực. Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Civic cho thấy MAOA là một gene “không kiềm chế”, và các đột biến làm cho nhiều người có khả năng phạm tội nhiều hơn. Nếu các phạm nhân phạm tội do được lập trình từ trước về mặt di tuyền, thì quan điểm cho rằng việc giam giữ có thể cải tạo được tội phạm sẽ không còn đúng nữa. Theo một phán quyết năm 2003 của Toà án tối cao New York, bằng chứng di truyền dẫn tới tội phạm làm cho tình hình xấu hơn vì sẽ đẻ ra “những mối nguy trong tương lai”. Vấn đề thách đố, như nhà triết học Don Brock đã chỉ ra, là nếu gene của một cá nhân là căn nguyên dẫn tới hành vi, và nếu gene là không thể thay đổi, và tác động của chúng cũng không thể thay đổi, thì việc đòi hỏi tội phạm phải chịu trách nhiệm đối với những hành động do hắn gây ra có còn hợp lý nữa hay không?

Phải nói rằng phán quyết của Toà án tối cao New York năm 2003 là sáng suốt: thay vì tạo ra niềm lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn, vấn đề gene tội phạm lại đẻ ra một loạt nguy cơ mới.

          2* Những nguy cơ nẩy sinh từ gene tội phạm:

● Không dễ kiểm soát gene tội phạm, nếu nó tồn tại.

Nếu có “gene tội phạm”, có gì để đảm bảo rằng khoa học sẽ hoàn toàn kiểm soát được nó? Khám phá ra gene là một chuyện; kiểm soát được gene lại là chuyện hoàn toàn khác. Một bài báo[4] mới đây cho biết: 98% DNA của chúng ta là những mẩu… “junk” – những phần DNA trước đây ta tưởng là vô nghĩa (những mẩu “đầu thừa đuôi thẹo” đáng vứt đi), nhưng dưới ánh sáng của những khám phá mới nhất, hoá ra chúng đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, vai trò cụ thể của chúng là gì thì cho đến nay hầu như khoa học vẫn chưa biết. Có nghĩa là những gì đã biết về gene nói chung vẫn chỉ là một con số rất khiêm tốn: dưới 2% của chiếc thang xoắn DNA. Hơn thế nữa, sinh học di truyền cũng mới vỡ nhẽ ra rằng gene không tác động một cách đơn độc, mà chúng phối hợp với nhau theo những tổ hợp (combination) cực kỳ phức tạp, đồng thời được kích hoạt theo những cơ chế bật/tắt (thức/ngủ) rất bí ẩn. Nói cách khác, không phải cứ mỗi gene tương ứng với một đặc tính duy nhất. Từ đó suy ra rằng việc kiểm soát gene tội phạm không đơn giản như ta tưởng, nếu quả thật có gene đó.

● Nguy cơ phân biệt đối xử đối với “tội phạm bẩm sinh”:

Hãy nhớ lại chính sách đối xử tàn nhẫn của chủ nghĩa quốc xã Đức những năm 1930 đối với những người ốm yếu bệnh tật, đặc biệt những người có khuyết tật bẩm sinh, những người mắc bệnh tâm thần, … Họ bị nhà nước quốc xã tìm mọi cách để loại trừ ra khỏi xã hội Đức, nhằm đảm bảo sao cho dân tộc Đức trong tương lai bao gồm toàn những người khoẻ mạnh. Hơn ai hết, chủ nghĩa quốc xã là một xu hướng chính trị đi tiên phong trong việc áp dụng một cách máy móc Học thuyết Darwin vào xã hội loài người. Nhưng chua chát thay khi biết rằng khoa học đã vô tình làm kẻ dọn đường: Học thuyết Darwin trong sinh học đã được cải biên thành Học thuyết Darwin xã hội (Social Darwinism). Lịch sử ngày nay không quên phán xét chủ nghĩa quốc xã, nhưng ít khi phán xét Học thuyết Darwin xã hội, và càng không bao giờ phán xét những thiếu sót của Học thuyết Darwin, mặc dù ngay từ đầu thế kỷ 20, Lý Tôn Ngô ở Trung Hoa đã cực lực phê phán học thuyết này quá thiên lệch về đấu tranh sinh tồn mà bỏ qua một thực tế là sinh vật cũng đồng thời cộng sinh để tồn tại[5]. Thời đại ngày nay khó có thể lặp lại một chủ nghĩa quái gở như chủ nghĩa quốc xã, nhưng cũng khó có thể đảm bảo cho những em bé có “gene tội phạm” không bị xã hội hắt hủi và đối xử tàn nhẫn, nếu quả thật có gene đó.

● Nguy cơ gene tội phạm bị lợi dụng cho mục đích xấu.

Có điều gì đảm bảo “gene tội phạm” không bị kẻ xấu lợi dụng để biến người thiện thành ác, kẻ ác càng ác hơn? Trong những năm qua và hiện nay, trên thế giới đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu khoa học vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Công nghệ tế bào gốc (stemcell technology), sinh sản vô tính (cloning), v.v. là những khu vực đang diễn ra nhiều nghiên cứu mờ ám nhất. Nếu tình trạng tha hoá đạo đức trong nghiên cứu khoa học không bị chặn đứng thì không có gì chắc chắn để đảm bảo rằng “gene tội phạm” sẽ không trở thành một loại vũ khí vi trùng đáng sợ nhất trong tương lai, nếu quả thật nó tồn tại.

Bất chấp những nguy cơ đe doạ xã hội nói trên, nhiều tổ chức nghiên cứu tội phạm học dưới góc độ sinh-học-xã-hội (bio-social criminology) vẫn tiêu hàng chục triệu USD cho việc tìm kiếm “gene tội phạm”. Kết quả chỉ để lại một ấn tượng xấu trong dư luận xã hội về tinh thần kỳ thị giai cấp, kỳ thị chủng tộc, đơn giản vì thành phần tội phạm đa số rơi vào người nghèo và các sắc dân đến những vùng nghèo khổ trên thế giới.

Vậy đã đến lúc phải khẳng định rằng việc thừa nhận học thuyết của Tuân tử – Hàn Phi về tính ác, hoặc thừa nhận học thuyết của Sigmund Freud về Eros và Thanatos, không có nghĩa là thừa nhận gene tội phạm. Chương trình tìm kiếm gene tội phạm là một sai lầm lớn của khoa học, xuất phát từ sai lầm trong nhận thức triết học.

3* Sai lầm về nhận thức:

Xét cho cùng thì niềm tin vào sự tồn tại của gene tội phạm xuất phát từ chỗ lẫn lộn khái niệm vật chất với khái niệm tinh thần – hai phạm trù cơ bản của triết học nhận thức.

Tinh thần là gì?

Câu hỏi này đến nay vẫn là một ẩn số vô cùng lớn. Mọi cố gắng giải thích bản chất của tinh thần vẫn luôn luôn vấp phải nghịch lý:

-Nếu tinh thần là sản phẩm hoạt động của bộ não thì nó phải là vật chất; nhưng thực tế cho thấy tinh thần không tuân thủ bất kỳ nguyên lý tương tác vật chất nào, vì thế nó không thể là vật chất.

-Nếu cố tình áp đặt bản chất vật chất cho tinh thần, thì chắc chắn đó phải là một dạng vật chất không thể giải thích được bằng những định luật của thế giới vật chất thông thường. Dù gọi tên dạng vật chất đó là gì, chẳng hạn “năng lượng tinh thần”, “ngoại cảm”, v.v. nhưng chắc chắn nó không tuân thủ những giải thích của khoa học, đơn giản vì khoa học chỉ là một ngôn ngữ mô tả thế giới vật chất thông thường như ta thấy. Ngôn ngữ đó sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí méo mó sai lệch, khi áp dụng cho một thế giới mà nó không thích hợp, tương tự như việc cố gắng dùng ngôn ngữ của thế giới xác định (thế giới vật lý thông thường) để mô tả thế giới bất định (thế giới hạ nguyên tử). Nhà bác học trứ danh Niels Bohr đã mô tả sự trớ trêu này bằng một câu ngắn gọn: “Tất cả chúng ta đều bị treo lơ lửng trong ngôn ngữ” (We are all suspended in language).

Do đó, ý tưởng dùng gene (một cấu trúc vật chất) để giải thích tội phạm (một hiện tượng tinh thần) trước hết chứng tỏ một nhận thức sai lầm về mặt triết học – lẫn lộn khái niệm vật chất với tinh thần.

Sinh học di truyền, dù đã và đang tạo ra những thành tựu vượt sức tưởng tượng, xét cho cùng vẫn chỉ là những quy luật tương tác sinh hoá của DNA, do đó chỉ có thể giải thích được những đặc điểm thuộc về thể chất sinh hoá của con người, không thể giải thích được những đặc điểm thuộc về tinh thần. Ngay cả những hiện tượng tinh thần được rất nhiều người tin là do gene quyết định, như năng khiếu âm nhạc, năng khiếu toán học, v.v. cũng gặp phải những nghịch lý không thể giải thích. Chẳng hạn, tại sao hậu duệ của những dòng họ lớn về âm nhạc như Bach, hay Strauss, đến nay không hề xuất hiện những thiên tài như cha ông thủa xưa. Con cháu của những thiên tài toán học như Archimedes, Karl Gauss, Henri Poincaré, v.v. là ai?

Có thể có một yếu tố thể chất bẩm sinh nào đó ảnh hưởng tới độ nhanh nhậy hoặc trì độn của con người. Cũng có thể có những gene liên quan tới tính nóng nẩy hoặc phản ứng chậm chạp. Nhưng không có liên hệ logic nào giữa những yếu tố thể chất bẩm sinh đó với hành vi tội phạm. Thực tế cho thấy có những em bé nghịch ngợm, phá phách, … lớn lên lại trở thành một người ngay ngắn, đứng đắn. Vì thế, việc xác định những “yếu tố thể chất có xu hướng dẫn tới tội phạm” là một sai lầm rất tệ hại của khoa học tội phạm hiện đại. Sai lầm này có ảnh hưởng rất tiêu cực, bởi nó sẽ làm lệch định hướng truy tìm nguồn gốc thực sự của tội phạm, giống như bác sĩ định hướng sai về nguyên nhân thực sự dẫn tới căn bệnh của bệnh nhân.

4* Kết:

Khái niệm “gene tội phạm” là một nhầm lẫn lớn của khoa học! Nhầm lẫn này xuất phát từ tinh thần sùng bái khoa học, coi khoa học như chúa tể của nhận thức và có thể giải thích được mọi hiện tượng. Tham vọng giải thích mọi hiện tượng bằng khoa học vật chất, xét cho cùng, chỉ là một biểu hiện của tư duy cơ giới máy móc, xuất phát từ những ấn tượng có sẵn, rồi cố khoác cho lý thuyết của mình chiếc áo khoa học.

Steve Jones, giáo sư di truyền học tại Đại học London, nói: “Hãy nhìn vào nước Úc. Nếu tồn tại gene tội phạm, thì máu của người Úc ngày nay sẽ chứa đầy gene này, vì chúng được truyền từ một số rất đông các tội phạm trong số các cha ông của họ[6]. Nhưng, mặc dù mới đây xẩy ra bi kịch ở Tasmania, Úc vẫn là một xã hội đặc biệt an bình và trật tự”.

Người Việt Nam từ xa xưa đã nói: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”. Có nghĩa là “tính” không thể giải thích bằng được di truyền. Tội phạm là một vấn đề xã hội. Chỉ có thể chống tội phạm hữu hiệu bằng cách tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, đúng như Steve Jones nhấn mạnh: “Một từ ngữ bị hiểu sai nhiều nhất trong di truyền học là chữ ‘for’ (dành cho), như trong câu ‘gene dành cho một cái gì đó’. Chẳng có một gene dành cho bất cứ cái gì cả. Một gene chỉ là một chất hoá học mà bạn có thể nhỏ vào một ống nghiệm. Các gene chỉ biểu lộ tác động của chúng theo những tổ hợp riêng biệt, và quan trọng nhất là trong những môi trường riêng biệt. Đó là yếu tố cơ bản. Một khi được đặt vào trong một môi trường xã hội thích hợp thì gene mới làm công việc của nó. Nhưng trong khi bạn không thể dễ dàng thay đổi gene, bạn có thể thay đổi xã hội vào ngày mai”.

Ngày 01 tháng 12 năm 2011


[1] Xem “Luận về bản tính thiện ác – Từ Tuân tử tới Hàn Phi”, Châu Khê, Khoa học và Tổ quốc Tháng 11/2011, và trên mạng: http://vietsciences.free.fr/ , https://viethungpham.wordpress.com/

[2] Xem “Luận về bản tính thiện ác – Học thuyết của Sigmund Freud”, Châu Khê, Khoa học và Tổ quốc Tháng 10/2011, và trên mạng: http://vietsciences.free.fr/ , https://viethungpham.wordpress.com/

[5] Xem “Hậu Hắc Học”, Lý Tôn Ngô, NXB Văn hoá – Thông tin, 1989, phần nói về Đác-uyn.

[6] Úc nổi tiếng là nơi đày ải tội phạm của nước Anh trong các thế kỷ 17, 18, 19.

9 thoughts on “Luận về bản tính thiện, ác [3]: GENE TỘi PHẠM, một dấu hỏi lớn (?)

  1. Cám ơn chú Hưng vì được đọc thêm một bài viết hay nữa!
    Chúc mừng chú với cuốn sách vừa được xuất bản “TỪ XÁC ĐỊNH ĐẾN BẤT ĐỊNH” (cháu đọc được thông tin trên báo SGTT hôm qua).
    Dù biết là cuốn sách sẽ chưa đủ thời gian đến với quầy sách, nhưng trưa hôm qua cháu cũng chạy ra nhà sách Phương Nam (Gò Vấp) tìm…..và …chắc phải đợi một vài tháng như thường lệ.
    Báo SGTT và NXB Tri Thức là hai nguồn thông tin kiến thức cháu trân trọng nhất hiện nay (và cả Blog của chú nữa chứ, hehehe…)
    Ở vị trí là một nhà khoa học, chú không hề cho khoa học là nhất mà lại không ngừng vạch ra những giới hạn của khoa học để cho những người trẻ đang chìm đắm trong mu muội như chúng cháu để gẫm để suy để phản tỉnh.
    Phải công nhận Khoa học đã làm được quá nhiều điều cho con người mà chỉ vài thế kỷ trước đây thôi, những thứ đó còn thuộc lĩnh vực thần thánh, bùa ma, phù thủy.
    Thế nên, cả thế giới tôn vinh khoa học, và làm và khiến cho mọi người tin rằng khoa học là Chân Lý, Khoa Học là Thượng Đế.
    Không chân lý, không thượng đế sao được khi ngày nay nhiều người (dù không làm khoa học, cũng chẳng biết tí gì về khoa học) khi tranh cãi một điều gì đó rất thường gán một cái mác to tướng:
    – Đây là khoa học
    – Khoa học đã chứng minh như thế rồi.
    và thế là mọi tranh cãi phải dừng lại.

    Với việc đầu tư tìm ra “Gene tội phạm” như bài viết của chú trên đây cũng là một tham vọng của khoa học muốn lấn vào lĩnh vực xã hội vào lĩnh vực tinh thần vào sân chơi không phải là của mình tựa như cầu thủ đá banh bước vào trong nhà Thờ, nhà Chùa để đá bóng hay tổ chức họp báo…và tất nhiên nó đã bị chú Hưng bảo vệ tuýt còi.
    Vài suy nghĩ tản mạn góp vào cho vui và cũng mong nhiều bạn trẻ góp vào thêm nữa cho sống động và phong phú!
    Thanks chú!

    Thích

  2. Chào bác. Cháu không biết có nên còm vào một bài đã đăng cách đây 6 năm của bác không. Nhưng thôi cháu vẫn cứ còm.

    Cháu tin là có gene tội phạm, gen hành vi xấu chi phối chúng ta đó bác ạ. Cháu rút ra nhận định từ chính trường hợp của cháu.

    Thời gian mẹ cháu khổ phải trốn chạy vô tình gặp cha cháu. Vì hoàn cảnh mới phải gắn lấy nhau mà sống. Mẹ cũng nói con người như cha cháu bình thường không đủ tư cách xách dép cho mẹ.

    Cha cháu là một người đàn ông thấp bé, tính tình ích kỉ, tham ăn lười làm, không thông minh (nhưng kiêu căng) và hơi lẹo cái nhưng có nhiều vợ, mẹ cháu là người thứ hai (ông ta giấu không nói cho mẹ biết ông ta có 1 người vợ trước rồi). Bà nội cháu cũng y vậy, còn thêm mê đàn ông đến nỗi ngày đám xác của mẹ bà ấy bà còn theo trai đèo đi qua ngang đám tang không thèm nhìn. Con trai con gái bà ấy cũng toàn phường cặn bã. Gia đình đó không thông minh, không ham học và không chủ trương cho con cháu học. Con gái thứ 3 của bà ấy là người làm đĩ, bán chợ cá, mê trai quên ông bà tổ tiên và rất vô tâm với con cái. Bao nhiêu người con trai của bà này đều chết do đói vì bà ta để cơm thịt đùi gà cho trai trẻ ăn, khóa chạn không cho con bà ta đụng tới. Con gái bà may mắn sống sót nhưng lại quan hệ loạn luân với ba nó mà sinh ra con gái khác. Cũng may ông ta hết sức rồi, nếu không đứa cháu đó sẽ lại thành vợ của ông nó!!! Con gái út của bà mê đàn ông mà lại mê một ông già, cô ta là bản sao y hệt của bà nên cô ta không thèm chăm sóc bà, giành hết tiền điếu trong đám xác bà là trời trả báo bà ta. Ông nội cháu là lính cs, khi hành quân đã vào nhà dân chôm chỉa hết tài sản của người ta. Các chú bác cháu đều là kẻ thất học, vũ phu, đi làm mướn và mê đàn bà, thích đánh đập hành hạ vợ con. Các anh chị bà con của cháu đều là kẻ ăn cắp, du côn, hút chích và đều chết sớm.

    Cũng may cháu ở với mẹ bên ngoại nên mới được học hành. Cháu nói ra không phải để tự chuốc nhục cho giòng giống mình nhưng cho bác biết là gene xấu xa có tồn tại và nó lại là gene trội được di truyền.

    Cháu có thằng em, ham ăn hốc uống, ích kỉ nhỏ nhen y hệt như cha nó. Nó tính toán với cả mẹ đẻ của mình, không làm việc khi không được lợi ích.

    Cháu cũng không hơn gì. Cháu cũng rất phàm ăn, ích kỉ, tự phụ, nhiều khi có những suy nghĩ bệnh hoạn y hệt cha mình. Cháu cũng bị sự ham muốn về tình dục quá độ hành hạ. Trí tuệ của cháu cũng chỉ trung bình, có một người cha như thế mà được như vậy là cháu đã mừng. Tuy nhiên ở bên ngoài không ai biết những nỗi thống khổ mà cháu phải chịu đựng bên trong. Họ chỉ biết cháu là người hiền lành, nhã nhặn và ít nói. Họ đâu biết cháu đã cố kiềm chế như thế nào. Đâu biết lí trí của cháu hoạt động đã tới cực hạn. Cháu là con người của lí trí. Nếu sống theo tiếng gọi của bản năng thì cháu không bằng con chó!

    Xin bác biết cho nỗi khổ thầm kín của cháu và đừng ngây thơ nói rằng gene xấu xa, tội ác không tồn tại. Giáo dục chỉ giúp ta kiềm chế những thứ đáng khinh bỉ này. Chỉ có khi chết, tắt thở rồi mới nhẹ gánh bác à!

    Thích

    • Trả lời cháu Nguyễn Gia Hưng, về bài “Gene tội phạm: Một dấu hỏi lớn?”
      Cháu Nguyễn Gia Hưng thân mến,
      Comment của cháu thật độc đáo, rất xứng đáng để bất cứ ai cũng phải suy nghĩ.
      Cháu nhận thấy những cái đáng khinh bỉ thì có nghĩa là cháu rất sáng suốt. Cháu lại còn biết kiềm chế những ham muốn mà cháu khinh bỉ thì có nghĩa là cháu rất giỏi. Rất nhiều người không nghĩ và không làm được như cháu đâu.
      Ý kiến của cháu rất có ý nghĩa kể về giáo dục học, nhưng không đủ để chứng minh rằng có gene chịu trách nhiệm đối với những hành vi xấu, cháu à.
      Cái mà cháu tưởng là gene thực ra vẫn là vấn đề của giáo dục. Giáo dục không đơn giản chỉ có nghĩa là tốt. Giáo dục sai lầm sẽ làm cho con người sai lầm và hư hỏng.
      PVHg

      Thích

    • Hạ trí, cảm xúc và thể xác của con người đã là một con ma. Và bất cứ ai trên thế gian này đều có phần con và phần người. Đừng có thấy xấu hổ với phần con của mình, nếu bạn đã nhận ra phần con thì nên học cách để không bị ảnh hưởng bởi nó (chứ không phải kiềm chế nó). Đây là chuyện học hỏi lâu dài của bạn, bạn nên học các kĩ năng sống tích cực như: NLP, ám thị, luật hấp dẫn, kĩ năng phát triển bản thân, kết bạn với người tích cực,… (có đầy trên mạng, hỏi bác google là biết). Mỗi thánh nhân đều có 1 quá khứ, mỗi tội nhân có 1 tương lai!

      Thích

  3. Có lẽ trò lừa về phôi thai của Haeckel nói riêng và tiến hóa nói chung cũng đã vô tình giúp cổ súy và đổ thêm dầu vào lửa cho nạn phá thai
    https://thereforegodexists.com/5-reasons-abortion-evil/
    http://creation.com/fraud-rediscovered
    http://www.echoesofeden.org/articles/abortion/evolution-abortion
    https://www.jesus-is-lord.com/haeckel.htm
    https://rudd-o.com/archives/hey-wackos-evolution-is-true-abortion-is-not-murder
    https://www.christiancourier.com/articles/958-link-between-evolution-and-abortion-the
    https://answersingenesis.org/sanctity-of-life/abortion/abortion-and-origins-debate/
    http://www.icr.org/article/evolution-american-abortion-mentality/
    http://www.wiseoldgoat.com/papers-creation/hovind-seminar_part4b_2007.html
    http://www.christianliferesources.com/article/the-moral-status-of-the-human-embryo-1078

    Chẳng phải đó là một cách ” khoa học ” duy nhất để biện hộ cho việc phá thai sao ? Chẳng phải ở những giai đoạn đầu của phôi thai như Haeckel bịa đặt thì đó mới chỉ là động vật thôi sao ?
    Không ! Ngay từ lúc mới thụ thai thì đã là một con người có sinh linh rồi

    Ví dụ, theo Haeckel thì vào giai đoạn đầu, phôi thai có dấu vết mang cá cho thấy lặp lại lịch sử tiến hóa. Vậy nên, ” ồ, đừng lo, giai đoạn đó chỉ là một con cá thôi mà, nó chưa phải con người. Thật sự thì phá thai không phải là giết người đâu, hãy yên tâm ”

    Vậy đó, họ đã giữ sự dối trá đó trong sách giáo khoa như một ” bằng chứng khoa học ” để bênh vực cho nạo phá thai đó. Học thuyết phi đạo đức này đáng lẽ phải bị vứt bỏ từ lâu rồi

    Thích

  4. Xin chào tác giả… xin chúc bình an và thư thái trong cuộc sống.
    Thiên Chúa tạo dựng con người hạnh phúc viên mãn trong vườn địa đàng với cuộc sống vô tư như trẻ con. 2 ông bà trần truồng vui chơi cùng nhau mà không xấu hổ. Sau khi ” quên ” điều Thiên Chúa cấm… 2 người đã ăn quả phân biệt Thiện Ác… 2 ông bà được ” mở mắt ” phân biệt và xấu hổ trước mặt nhau vì thấy mình trần truồng.
    Thiên Chúa đi tìm con người không thấy nên Ngái cất tiếng gọi : Adam ngươi ở đâu….. Adam trả lời: Tôi đang trốn ở đây vì tôi cảm thấy xấu hổ vì trần truồng trướ mặt Ngài….(xin tham khảo Sách Sáng Thế các chương đầu trong Kinh Thánh Cựu Ước.
    Phần Tân Ước. Đức Giêsu là Thiên Chúa. Ngài vâng lời Thiên Chúa Cha xuống thế gian làm phận người. Sống như con người cùng 1 phận người. Thực thi kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa rao giảng Tin Mừng Cứu độ…. Tiên vàn các con hãy đi tìm Nước Thiên Chúa trước… mọi sự sẽ được ban cho sau….
    Các con hãy bỏ hết mọi sự vác thánh gía hàng ngày mà theo ta….. Ai không có tâm hồn như các trẻ nhỏ này thì không vào được nước Trời…( mời tham khảo Kinh thánh phần Tân ước ).
    Trong nhà Thiền. Phải phá vô minh để được minh tâm… kiến tánh thành Phật… kiến tánh là nhận Pháp thân Phật của mình… của mọi người… của Phật… của các vị Bồ tát như nhau…khoong phân biệt thiện ác… cao thấp…. sang hèn… đủ thiếu…
    Tham Thiền để buông hết mọi sự… Phật hiển lộ… vạn duyên buông hết một niệm không sanh … khi này thì.. phàm phu tức Phật phiền não tức Bồ đề…
    Trong Triết học Đông phương. Với Đồ hình Thái cực trong dương có nhân âm và trong âm có nhân dương… ôm ấp nhau chuyển hóa thanh Lưỡng nghi… tứ tượng… bát quái… luc thập tứ quái… với 1 định nghĩa tuyệt vời… nhân giả kỳ thiên địa chi đức.. âm dương chi giao.. quỉ thần chi hội… xin tham khảo thêm về Dịch học Đông phương và quyển sách nhỏ của lm. Lương kim Đinh: Dịch kinh linh thể…..
    Góp thêm chút ý kiến để tác giả tham khảo thêm… xin bỏ qua… nếu không vừa ý…

    Thích

  5. Pingback: Vật lý lượng tử phát hiện ra “cõi bên dưới”, hi vọng tìm thấy sự tồn tại của linh hồn - Tin Tức Nhanh

  6. Pingback: SIGMUND FREUD – Good and evil – III – TheMANinPLAN

Bình luận về bài viết này